Vô tinh (hay azoospermia) là tình trạng không có tinh trùng trong tinh dịch khi xuất tinh, khiến nam giới không thể thụ thai tự nhiên. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây hiếm muộn ở nam giới, ảnh hưởng đến khoảng 1% dân số nam và khoảng 10-15% những cặp vợ chồng gặp vấn đề về sinh sản.
Vô tinh trùng là gì?
Vô tinh (không có tinh trùng) là hiện tượng không có sự xuất hiện của tinh trùng trong mẫu tinh dịch xuất ra. Vô tinh chỉ được xác định sau khi làm hai mẫu xét nghiệm tinh dịch đồ, cách nhau ít nhất 2 tuần và không tìm thấy tinh trùng sau quay ly tâm 3.000 vòng trong vòng 15 phút.
Một số người từ khi sinh ra đã không có tinh trùng (hay còn gọi là vô tinh nguyên phát), trong khi một số khác lại gặp phải tình trạng lúc đầu có tinh trùng (thậm chí có con) nhưng sau đó không có tinh trùng (được gọi là vô tinh thứ phát). Điều này có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản nam giới, từ đó tăng tỷ lệ hiếm muộn nam.
Triệu chứng vô tinh trùng ở nam giới
Trên thực tế, nam giới thường không nhận ra mình đã mắc tình trạng vô tinh do không có bất kỳ triệu chứng đặc biệt nào, cho đến khi cố gắng thụ thai nhưng không thành công.
Bên cạnh đó, một số triệu chứng khác có thể gợi ý như:
- Giảm ham muốn tình dục;
- Rối loạn cương dương;
- Có khối u, sưng hoặc khó chịu xung quanh tinh hoàn;
- Rụng tóc.
Tình trạng vô tinh có phổ biến không?
Vô tinh là bệnh lý tương đối phổ biến ở nam giới, có ảnh hưởng đến khoảng 1% tổng số nam giới nói chung và 10-15% nam giới được chẩn đoán hiếm muộn . Ước tính khoảng 3 tỷ nam giới trong độ tuổi sinh sản hiện nay thì sẽ có khoảng 10 triệu nam giới đối mặt với tình trạng không có tinh trùng.
Tại Việt Nam chưa có nhiều số liệu thống kê về tỷ lệ không có tinh trùng trong cộng đồng. Một vài thống kê trên cộng đồng ở những nam giới hiếm muộn đến khám tại các cơ sở lâm sàng là 19,3%. Một khảo sát của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội về nguyên nhân hiếm muộn trên 1.649 nam giới cho thấy có đến 20,8% trường hợp không có tinh trùng.
Với mức độ phổ biến ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản, vô tinh là nguyên nhân quan trọng cần được xem xét khi chẩn đoán và điều trị hiếm muộn ở nam giới.
Phân loại vô tinh thường gặp
1. Vô tinh trước tinh hoàn
Vô tinh trước tinh hoàn thường liên quan đến nội tiết, ảnh hưởng của trục dưới đồi-tuyến yên-tinh hoàn. Nhóm nguyên nhân này có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải.
2. Vô tinh tại tinh hoàn
Vô tinh tại tinh hoàn bao gồm những bệnh lý gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tinh trùng tại tinh hoàn. Những nguyên nhân này có thể do bẩm sinh, do mắc phải hoặc là tai biến sau thủ thuật, phẫu thuật liên quan đến tinh hoàn.
3. Vô tinh sau tinh hoàn
Tình trạng vô tinh sau tinh hoàn bao gồm các bệnh lý hoặc tình trạng gây rối loạn sự vận chuyển của tinh trùng ra ngoài hoặc do tắc nghẽn. Theo đó, tinh trùng được sản xuất nhưng không thoát được ra ngoài do bị chặn lại ở mào tinh hoặc ống dẫn tinh.
Nguyên nhân nam giới bị vô tinh
Tình trạng vô tinh ở nam giới có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là các nguyên nhân chính được phân loại thành các nhóm cụ thể như:
1. Vô tinh do tắc nghẽn
Vô tinh sau tinh hoàn là tình trạng không có tinh trùng trong tinh dịch do tắc nghẽn ở mào tinh hoàn hoặc ống dẫn tinh. Đây là nguyên nhân xuất hiện trong khoảng 40% trường hợp vô tinh ở nam giới.
Bên cạnh đó, một số vấn đề bẩm sinh từ người bệnh cũng có thể gây vô tinh do tắc nghẽn. Ví dụ như nam giới không có ống dẫn tinh hai bên bẩm sinh (CBAVD) là tình trạng di truyền trong đó các ống dẫn tinh không được phát triển hoàn chỉnh khiến tinh trùng không thể di chuyển từ tinh hoàn đến tinh dịch, từ đó gây ra tình trạng vô tinh ở nam giới.
Các nguyên nhân khác gây vô tinh do tắc nghẽn bao gồm tiền sử nhiễm trùng cơ quan sinh dục trước đây, tai biến sau thủ thuật/phẫu thuật vùng bẹn, u nang, chấn thương tinh hoàn hoặc đã thắt ống dẫn tinh…
2. Vô tinh không do tắc nghẽn
Các nguyên nhân vô tinh không do tắc nghẽn có thể bao gồm di truyền hoặc rối loạn nội tiết tố. Trong đó một số nguyên nhân cụ thể bao gồm:
- Một số bệnh lý di truyền như hội chứng Kallmann, hội chứng Klinefelter hoặc vi mất đoạn AZF trên nhiễm sắc thể Y.
- Mất cân bằng nội tiết tố như giảm testosterone hoặc tăng prolactin máu.
- Các phương pháp điều trị bằng bức xạ, hóa trị hoặc tiếp xúc với kim loại nặng hoặc chất độc.
- Không có tinh hoàn hoặc tinh hoàn ẩn.
- Viêm tinh hoàn sau mắc quai bị có thể dẫn đến teo tinh hoàn hai bên.
Vô tinh (trùng) ở nam giới có điều trị được không?
Với sự phát triển của y học hiện đại, những phác đồ mới cùng nhiều phương pháp tiên tiến đã được đưa vào điều trị hiếm muộn ở nam giới. Thậm chí nhiều trường hợp nam giới bị vô tinh đã có cơ hội có con chính chủ từ chính tinh trùng của mình mà không cần dùng đến tinh trùng hiến tặng.
Một số trường hợp ít gặp hơn là vô tinh do suy giảm sinh dục thứ phát (suy giảm gonadotropins). Với liệu trình điều trị nội khoa khoảng 6-12 tháng, bệnh nhân sẽ có tinh trùng trở lại và có thể có con chính chủ.
Phương pháp chẩn đoán tình trạng vô tinh
Vì tình trạng vô tinh ở nam giới thường khó phát hiện thông qua các triệu chứng bên ngoài, do đó việc chẩn đoán vô tinh đòi hỏi một loạt các kiểm tra và xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây ra tình trạng này.
1. Khám lâm sàng
Việc đầu tiên trong việc chẩn đoán tình trạng vô tinh trùng ở nam giới là khai thác bệnh sử và thăm khám lâm sàng, bao gồm:
- Hỏi tiền sử bệnh: khai thác tiền sử chấn thương hoặc phẫu thuật ở vùng kín trước đó, tình trạng viêm nhiễm sinh dục đã mắc phải, các bệnh lý bẩm sinh, thuốc đang sử dụng, tình trạng sức khỏe hiện tại,…
- Khám bộ phận sinh dục: xem xét các bất thường về kích thước, hình dạng và cấu trúc của tinh hoàn, mào tinh, ống dẫn tinh. Bác sĩ sẽ tìm kiếm các dấu hiệu bất thường như sưng, đau hoặc sự hiện diện của các khối u tại tinh hoàn.
2. Xét nghiệm tinh dịch đồ
Tinh dịch đồ là xét nghiệm đầu tay và quan trọng để khảo sát về số lượng và chất lượng tinh trùng. Thông qua xét nghiệm này các chuyên gia có thể kiểm tra sự hiện diện và chất lượng tinh trùng trong tinh dịch. Trong trường hợp không có tinh trùng, bác sĩ sẽ tiến hành các bước kiểm tra bổ sung để xác định nguyên nhân gây vô tinh.
3. Đánh giá nội tiết tố
Việc xét nghiệm nội tiết tố giúp đánh giá hoạt động của các tuyến sản xuất hormone ở nam giới bao gồm tuyến yên và tuyến sinh dục. Sự mất cân bằng hormone có thể ảnh hưởng đến khả năng sản xuất tinh trùng và tăng nguy cơ gây vô tinh.
Xét nghiệm định lượng nồng độ testosterone, hormone FSH, hormone LH, prolactin.
4. Siêu âm bìu – chẩn đoán hình ảnh
Siêu âm bìu cho phép đánh giá cấu trúc và tình trạng của tinh hoàn và mào tinh. Phương pháp này có thể phát hiện các bất thường như tắc nghẽn, khối u, giãn tĩnh mạch tinh hoặc các vấn đề về cấu trúc khác.
5. Chẩn đoán di truyền
Xét nghiệm di truyền giúp xác định những bất thường về di truyền như hội chứng Down, hội chứng Klinefelter…
Cách điều trị vô tinh ở nam giới
Dựa vào nguyên nhân gây bệnh, các bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị vô tinh bằng các phương pháp như:
- Phẫu thuật nối ống dẫn tinh: Được áp dụng với những trường hợp vô tinh do tắc nghẽn. Theo đó các cuộc phẫu thuật có thể được chỉ định nhằm thông nối lại hoặc tái tạo lại đường đi của tinh trùng. Tuỳ theo chỉ định của bác sĩ, cuộc phẫu thuật có thể kết hợp với việc lấy tinh trùng để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
- Điều trị bằng hormone: Các loại thuốc nội tiết bao gồm Gonadotropin,… có thể được bác sĩ chỉ định nếu nguyên nhân dẫn đến vô tinh là do rối loạn nội tiết.
- Thực hiện các thủ thuật lấy tinh trùng trực tiếp: Một số phương pháp lấy tinh trùng trực tiếp như PESA (chọc hút tinh trùng từ mào tinh qua da), MESA (vi phẫu lấy tinh trùng từ mào tinh), Micro-TESE (vi phẫu lấy tinh trùng từ tinh hoàn) giúp nam giới vô tinh có thể có con bằng các kĩ thuật hỗ trợ sinh sản như IVF và ICSI.
Ngoài ra, một số thay đổi trong lối sống có thể giúp cải thiện chất lượng và số lượng tinh trùng cho nam giới, chẳng hạn như:
- Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh: bổ sung thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như kẽm, selen, sắt, vitamin C và E.
- Duy trì thói quen tập thể dục đều đặn: thói quen vận động mỗi ngày không chỉ giúp tăng cường lưu thông máu cho cơ thể mà còn cải thiện chất lượng tinh trùng ở nam giới.
- Tránh sử dụng đồ uống có cồn như rượu, bia và chất kích thích: đây là những chất tồn tại nhiều nguy cơ gây hại đến chất lượng tinh trùng.
- Quản lý căng thẳng, stress: Duy trì sự lạc quan, vui vẻ và tinh thần ổn định có tác động tích cực đến quá trình sản xuất cũng như chất lượng tinh trùng.
Biến chứng có thể gặp sau điều trị
Điều trị vô tinh là một quá trình phức tạp và có thể đi kèm một số biến chứng. Các biến chứng này phụ thuộc vào phương pháp điều trị có liên quan và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
Bên cạnh đó, quá trình điều trị vô tinh còn gây ra nhiều căng thẳng tâm lý, lo lắng và trầm cảm cho bệnh nhân. Sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè là rất quan trọng giúp bệnh nhân vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân vô tinh sau điều trị
Sau quá trình điều trị, việc chăm sóc bệnh nhân đúng cách là việc làm rất quan trọng giúp hỗ trợ quá trình hồi phục cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống. Dưới đây là một số lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân vô tinh sau điều trị bạn có thể tham khảo:
- Sử dụng thuốc theo đúng liều lượng và thời gian như đã được kê đơn, không tự ý ngừng hoặc thay đổi thuốc khi chưa có hướng dẫn từ bác sĩ.
- Thực hiện các xét nghiệm và kiểm tra định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để đánh giá hiệu quả điều trị và phát hiện kịp thời các biến chứng có thể xảy ra.
- Áp dụng chế độ dinh dưỡng cân đối và lành mạnh giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng và cải thiện chất lượng tinh trùng. Ăn nhiều rau xanh, trái cây, bổ sung protein từ thịt, cá, trứng, sữa và các loại đậu. Đồng thời hạn chế tiêu thụ đồ uống có cồn và thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ.
- Xây dựng lối sống lành mạnh. Tập thể dục đều đặn giúp tăng cường tuần hoàn máu và nâng cao sức khoẻ tổng thể. Tránh căng thẳng và lo âu bằng cách tham gia các hoạt động thư giãn như tập yoga và thiền định.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ và tư vấn y tế để theo dõi tiến triển của tình trạng vô tinh và điều chỉnh phương pháp điều trị nếu cần thiết.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc băn khoăn nào về tình trạng vô tinh cũng như các vấn đề sinh lý của bản thân, bạn có thể đặt câu hỏi về Hộp thư tư vấn của IVF Moonly Beauty.
Vô tinh tuy không phải là vấn đề gây nguy hiểm đến tính mạng người nam giới nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sinh sản và là nguyên nhân hàng đầu gây hiếm muộn ở nam giới. Do đó, nếu nghi ngờ mình đang gặp tình trạng vô tinh hoặc có bất kỳ vấn đề bất thường nào ở tinh dịch, có thể đến Moonly Beauty – Trung tâm Chuyên khoa Ngoại & Thẩm mỹ Việt – Hàn (36 Hai Bà Trưng, Phường Thành Công, Thành Phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) để được thăm khám, điều trị kịp thời, tránh nguy cơ gây ra biến chứng nghiêm trọng.
Hiện nay, chúng tôi có đội ngũ tư vấn online chuyên giúp bệnh nhân giải đáp thắc mắc và đặt lịch thăm khám theo nhu cầu. Liên lạc với bác sĩ chuyên khoa bằng cách đơn giản là gọi vào hotline 0262 8 556 556 hoặc NHẤP VÀO KHUNG CHAT
Trung tâm Chuyên khoa Ngoại & Thẩm mỹ Việt – Hàn
Địa chỉ: 36 Hai Bà Trưng, Phường Thành Công, Thành phố Buôn Ma Thuột, Tỉnh Đăk Lăk
Hotline: 0262 8 556 556
Website: https://moonlybeauty.com/